Một thể cấu trúc phi tuyến tính mang những hoạ tiết hình khối phức tạp. Đó là công trình mang đậm dấu ấn siêu thực của kiến trúc sư Toyo Ito với ý tưởng chia cắt không gian độc đáo do nhà thiết kế Cecil Balmond đóng góp – một phép màu 3D làm từ nhôm và thép.
Nắm bắt được tinh thần trong những công trình mà Toyo thường kết hợp yếu tố của thế giới vật chất và số hoá. Cecil Balmond đã sử dụng một thuật toán lập phương để định hình hoạ tiết cho phần mặt tiền. Đây là một công đoạn thú vị vì toàn bộ hình dáng công trình được phác hoạ chi tiết chỉ trên một mặt phẳng. Đầu tiên ông vẽ một hình vuông trên giấy, sau đó từ một điểm trên 1/3 đoạn thẳng tiếp tục vẽ một hình vuông khác đan xen. Sau khi phương thức này được lặp lại nhiều lần sẽ cho ra một khối hoạ tiết phức tạp. Tiếp theo ông sử dụng phần mềm 3D để bo góc lập phương cho mặt phẳng trên thành một hình hộp giống với thiết kế Toyo mong muốn, tạo ra đầy đủ dữ liệu để tiến hành lắp đặt.
Công trình này xoá nhoà ranh giới môi trường trong và ngoài, giữa nội thất và ngoại thất bằng cách dùng một bộ khung vây quanh không gian triển lãm thay vì sử dụng cột đỡ như truyền thống. Kết hợp với khoảng hở đủ mọi hình khối do mặt cắt 3D tạo nên, khi đi trong nhà khách tham quan có cảm giác những hình tam giác, hình thang này như đang xoay chuyển linh động tuỳ vào điều kiện ánh sáng, mỗi bước chân lại mở thêm một tiềm năng khám phá công trình mới.
Tính đến nay, 2002 là năm thành công nhất đối với chuỗi sự kiện Serpentine Pavilion. Điều đó đã cho thấy sức mê hoặc khi toán học và hình học hợp nhất, được thể hiện dưới con mắt những người làm nghệ thuật. Toyo Ito và Cecil Balmond đã mang đến một ví dụ tiêu biểu cho công trình “ảo – xu hướng kiến trúc của tương lai.